Vào mùa xuân hoa mai nở rộ, đón chào nàng xuân mới đang yểu điệu bước sang. Hoa mai còn có một tên khác nữa là càn mai. Trong phong tục của người Việt Nam ta, hoa mai tượng trưng cho mùa xuân nhưng, hoa mai không chỉ có ý nghĩa đón mừng xuân mà còn biểu hiện cho tình yêu trung thành.
Sự tích về hoa mai vàng được kể lại:
Ngày xưa, có một cô bé 14 tuổi theo cha diệt trừ yêu quái cứu dân làng. Trước khi ra đi, cô được mẹ may áo mới, lấy nghệ nhuộm thành màu vàng. Khi chiến đấu với con yêu dữ, cô bé hy sinh.
Ngày 23 Tết, Táo quân lên Trời cầu xin cho cô bé sống lại, nhưng Trời chỉ cho mỗi năm sống lại 9 ngày. Từ đó cứ đến 29 tháng Chạp, cô bé mặc áo vàng trở về với gia đình. Đến Mùng 7, cô lại ra đi. Đến khi gia đình không còn ai, cô bé hoá thân thành cây mai mọc bên cạnh đền thờ do dân làng lập nên để tưởng nhớ cô.
Hàng năm, khoảng từ 13 đến 15 tháng Chạp, dân làng vặt lá xanh (thay áo) và đến 29-30 tháng Chạp, mai nở vàng rực rỡ. Mùng 7 tất niên là mai tàn. Người đời bảo nhau đó là ngày cô bé áo vàng về Trời.
Sinh thời, Chu Thần Cao Bá Quát có câu thơ viết về hoa mai rất hay:
“Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái hoa mai”
Tạm dịch là:
"Mười năm giao du tìm gươm cổ
Cả đời chỉ cúi lạy hoa mai"
Hoa mai là biểu hiệu của sự trung thành trong tình yêu vì hoa nở rất đúng hẹn, mỗi năm hoa đều nở đúng vào dịp xuân về không bao giờ sai hoặc trễ cả. Vì vậy, hoa mai được giao một nhiệm vụ thật quan trọng trong thiên nhiên, đó là nhắc mùa xuân đến đúng hẹn.
Cụ Đồ Chiểu xưa lui về ẩn cư dạy học ở Ba Tri (Bến Tre), hai mắt không còn nhìn thấy hoa mai nở, nhưng hình ảnh hoa mai vàng vẫn từ trong tâm thức nhà thơ hiện ra theo những vần lục bát trong “Lục Vân Tiên”:
"Hữu tình thay ngọn gió Đông
Cành mai nở nhuỵ, lá tòng reo vang"
Sưu tầm
Bài viết liên quan:> Chăm sóc hoa mai ngày tết
> Chuyện tình hoa mai – Đan Nguyên